Ticker

6/recent/ticker-posts

Mạng xã hội sẽ chỉ còn dành cho người xa lạ

Những liên lạc, gìn giữ quan hệ thật sự đã chuyển vào những chốn riêng tư hơn, thay vì công khai trên Facebook.

Mạng xã hội sẽ chỉ còn dành cho người xa lạ - Ảnh 1.

Có người nói mạng xã hội đã thoái trào. Nhận định này không sai nếu nhìn vào biểu đồ phát triển của các công ty sở hữu những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay.

Snap, Twitter hay Pinterest đều có giá trị thị trường thấp hơn thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong khi cổ phiếu Meta cũng mất hơn một nửa giá trị kể từ đỉnh, theo The Washington Post.

Có sự chuyển dịch rõ ràng sang các sản phẩm truyền thông xã hội mới phù hợp hơn với thị hiếu thời đại, mà một trong số đó là sự đề cao tính riêng tư của những gì ta chia sẻ.

"Chúng ta có thể sẽ không bao giờ hoàn toàn thoát khỏi mạng xã hội, nhưng chúng ta sẽ kiểm soát việc chia sẻ những khía cạnh nào về mình, và chia sẻ với ai" - nhà báo Hussein Kesvani viết cho Wired.

Chán chốn lao xao

Khi Facebook ra đời, nó định nghĩa mọi thứ chúng ta biết về mạng xã hội. Thay vì các trang cá nhân có khả năng tùy chỉnh cao như thời của blog, mọi người dùng Facebook đều có chung một mẫu "hồ sơ" (profile) với giao diện như nhau. Cách duy nhất để nổi bật giữa đám đông là đăng tải thật nhiều hình ảnh của bản thân, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc lên "tường" nhà, và kết bạn thật nhiều.

Ngày nay, hầu hết mọi nền tảng mạng xã hội đều khuyến khích chia sẻ cuộc sống cá nhân của mình càng nhiều càng tốt thông qua thuật toán, filter (bộ lọc màu) giúp bất kỳ tấm ảnh nào cũng có thể trở nên lung linh và khả năng kiếm tiền từ việc đăng tải nội dung.

"Những nền tảng này liên tục hứa hẹn với người dùng rằng chỉ cần chia sẻ nhiều hơn về bản thân và bạn bè mình thì họ có thể có trải nghiệm xã hội trọn vẹn" - Kesvani viết.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, dư luận xung quanh các mặt tối của mạng xã hội như thu thập dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư và tin giả đã khiến người dùng phải suy nghĩ nhiều hơn về cách họ sử dụng chúng và liệu có nên sử dụng nữa hay không.

Mạng xã hội sẽ chỉ còn dành cho người xa lạ - Ảnh 2.

Ảnh: HBR Staff/Jorg Greuel/Getty Images

Dĩ nhiên mạng xã hội nói chung còn lâu mới đối diện nguy cơ lụn bại khi vẫn là một trong những mô hình kinh doanh sinh lợi nhất hành tinh. Nhưng việc lợi nhuận ròng của gã khổng lồ Meta trong quý 2-2022 giảm 36% so với năm liền trước là dấu hiệu cho thấy đã có những rạn nứt trong đế chế tưởng chừng quá lớn để có thể sụp đổ.

Số lượng người dùng Meta đang hoạt động hằng ngày ở Mỹ và Canada đã giảm nhẹ từ 198 triệu vào giữa năm 2020 xuống còn 197 triệu trong quý 2-2022, theo ước tính của FactSet. Facebook đã không còn được xem là điển hình cho câu chuyện tăng trưởng thần kỳ ở Phố Wall.

Tính đến trước năm 2022 thì năm tăng trưởng doanh thu chậm nhất của Facebook là 2020 khi chỉ "khiêm tốn" tăng 22%, nhưng các nhà phân tích dự báo tăng trưởng doanh thu Meta trong năm 2022 sẽ là con số âm, theo CNBC. "Tôi e là họ (Meta) đang không thể thuyết phục được thế hệ người dùng tiếp theo" - Jeremy Bondy, CEO Công ty tiếp thị ứng dụng di động Liftoff, nhận xét.

Đó không chỉ là chuyện đau đầu của riêng Facebook. Theo tài liệu nội bộ tháng 8-2022 của Meta được báo Wall Street Journal tiếp cận, tương tác của tính năng chia sẻ video ngắn Reels trên Instagram đã giảm 13,6% trong bốn tuần trước đó, và "hầu hết người dùng Reels không có bất kỳ lượt tương tác nào".

Rõ ràng, người dùng đã chán ngán và cảnh giác với chuyện chia sẻ đời tư cho công chúng và đang mong đợi một trải nghiệm riêng tư hơn trên mạng xã hội.

Tìm nơi vắng vẻ

Thay vì chia sẻ vô tội vạ, tác giả Kesvani cho rằng xu thế hiện nay là hướng đến một cách quản lý sự hiện diện trên Internet kiểu Myspace - mạng xã hội đời đầu từng làm mưa làm gió những năm 2000. Nghĩa là tuyển chọn cẩn thận và có chủ đích hơn không chỉ với hình ảnh bản thân mà còn là những gì ta viết và phô bày ra với thế giới. "Mong muốn có không gian riêng tư sẽ đồng nghĩa hầu hết chúng ta sẽ chia sẻ với một lượng nhỏ khán giả trong các mạng lưới an toàn hơn, thay vì cho ai cũng thấy được" - anh viết.

Trang Simplilearn gọi những mạng xã hội cho phép người dùng chọn chính xác người họ muốn giao tiếp mà không cần chia sẻ thông tin nơi công cộng là "mạng xã hội riêng tư" - một số ví dụ điển hình là Facebook Messenger, WhatsApp và WeChat, những thứ ban đầu chỉ là ứng dụng chat.

Một trong những lợi thế lớn nhất khi sử dụng mạng xã hội riêng tư là khả năng kiểm soát những người xem nội dung hoặc thông tin liên lạc của mình. Bạn có thể nhắn tin trực tiếp với ai đó hoặc tạo một nhóm chat nhỏ, thay vì đăng nội dung cho tất cả những người nằm trong danh sách bạn bè của mình xem. "Nó tạo ra một môi trường thân mật và thoải mái; một nơi để là chính mình và giữ liên lạc với những người quan trọng nhất với bạn trên mạng xã hội" - tác giả Rob Sanders viết trên Simplilearn.

Sanders gọi đây là một "cuộc đại di cư" khỏi mô hình mạng xã hội truyền thống. Chính ông chủ Meta Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng "tin nhắn cá nhân, những cuộc trò chuyện phiếm và các nhóm nhỏ cho đến nay là những lĩnh vực giao tiếp trực tuyến phát triển nhanh nhất".

Mạng xã hội sẽ chỉ còn dành cho người xa lạ - Ảnh 3.

Mạng xã hội công khai và riêng tư. Ảnh: TapTalk.io

Sự chuyển dịch của Facebook sang một mạng xã hội riêng tư hơn là Messenger phản ánh sự tăng trưởng này - một sự thừa nhận rằng người dùng đang muốn những thứ mà Facebook không có.

Cây bút Tyler Cowen của Bloomberg thì gọi trào lưu này là "mạng phản xã hội" (antisocial media) và cho rằng nó dường như sẽ giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại với mạng xã hội. "Mạng xã hội (kiểu mới) sẽ không còn làm băng hoại diễn ngôn công chúng nhiều như xưa, vì sẽ có ít diễn ngôn công chúng hơn để mà băng hoại" - Cowen nhận định.

Trong tương lai giả định này, mạng xã hội trông có vẻ giống như cách ta xã giao trước khi có Internet, nhưng thay vì nói trực tiếp hoặc nhấc điện thoại gọi thì chỉ cần nhấp vào nền tảng nhắn tin yêu thích của mình. Mọi người có thể sẽ chỉ sử dụng mạng xã hội để nói với nhau - và về nhau - thay vì tranh luận về các vấn đề thời sự công khai.

"Theo nhiều cách, các vấn đề của thế giới hậu - mạng - xã - hội có sự tương đồng với những vấn đề của thế giới tiền - mạng - xã - hội" - Cowen viết.

Thế còn TikTok thì sao, đó đâu phải là chốn của người ưa sống thật và riêng tư? Thật ra không có gì khó hiểu ở đây cả. Ai muốn tìm nơi vắng vẻ đã "chơi Facebook" theo cách khác, và người vẫn còn thích chốn lao xao tất nhiên đã nhảy sang TikTok.

Ngoài ra, như lời biên tập viên Kate Lindsay của tờ The Atlantic, "mạng xã hội giờ là dành cho người xa lạ". Với TikTok, ta toàn xem video của những người mình không quen; những liên lạc, gìn giữ quan hệ thật sự đã chuyển vào những chốn riêng tư hơn.

Dù mạng xã hội nào giành phần thắng trong cuộc đua giành lấy thời gian đối diện màn hình của người dùng, có lẽ chưa bao giờ ta cảm thấy lạc lõng đến vậy trong một không gian đáng lẽ ra chứa đựng nguồn vui bất tận của thế nhân.

Việc gom hàng tỉ người trên thế giới vào một nền tảng mạng xã hội (Instagram có 2 tỉ người dùng, còn Facebook có gần 3 tỉ) chẳng khác nào mời quá nhiều người lạ đến một buổi tiệc thân mật: thật khó mà tìm thấy bạn bè thật sự của mình trong đó.

"Bây giờ hơn lúc nào hết, tất cả chúng ta đều có mặt trên mạng xã hội, được vây quanh bởi hàng tỉ người, và bằng cách nào đó vẫn cảm thấy hoàn toàn cô đơn" - tạp chí The Atlantic kết luận.■

Hãy sống thật!

Sẽ là thiếu sót nếu bàn về xu thế mạng xã hội của tương lai mà không nhắc đến BeReal - ứng dụng gây sốt trong giới trẻ trong năm qua (và được Apple chọn là "ứng dụng của năm" 2022).

Với cái tên mang ý nghĩa kêu gọi mọi người "hãy sống thật", BeReal là ứng dụng chia sẻ hình ảnh với một cơ chế độc đáo: vào thời điểm bất kỳ trong ngày, ứng dụng sẽ gửi thông báo và cho người dùng 2 phút để chụp và "check-in" khoảnh khắc hiện tại. Thay vì dành hàng giờ để trang điểm, chọn góc chụp và chỉnh sửa ảnh cho vừa ý trước khi đăng lên, người dùng BeReal buộc phải "sống thật" với bản thân và chia sẻ những khoảnh khắc đời thường nhất trong cuộc sống mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào.

mang xa hoi bereal

Giao diện BeReal.

Mặc dù mục đích ban đầu của BeReal là để người dùng đăng ảnh trong khoảng thời gian 2 phút kể từ lúc nhận thông báo, bạn vẫn có thể đăng trễ hơn thời gian quy định nhưng sẽ không thể xem ảnh của người khác cho đến khi thực hiện xong. Bạn bè trong mạng lưới cũng sẽ nhận được thông báo rằng ảnh của bạn bị đăng trễ nhằm hạn chế các trường hợp cố tình gian lận để có thời gian "tút tát" cho tấm ảnh.

Lý do rõ ràng nhất để sử dụng BeReal là để xem bạn bè của mình đang (thật sự) làm gì trong ngày, nhưng ứng dụng cũng có một tính năng rất hay là Memories (ký ức), nơi lưu giữ những bức ảnh bạn từng chia sẻ. Ngồi xem lại từng tấm ảnh của những khoảnh khắc ngẫu nhiên trong cuộc sống chẳng khác nào lần giở từng trang của một quyển nhật ký sống động mà chính bạn có thể sẽ bất ngờ về nội dung của nó.

"Dù sức hấp dẫn ban đầu của BeReal có vẻ đang suy yếu, nó đang chuyển đổi thành một thứ hoàn toàn khác: một hình thức viết nhật ký mới trong thời hiện đại" - tác giả Elena Cavender viết cho Mashable. Nếu bạn quá lười hoặc ngán ngẩm chuyện cầm bút viết ra những thứ xảy ra trong cuộc sống mà bạn cho là tẻ nhạt, sao không thử bắt đầu với BeReal trong năm 2023?


Theo Hoa Kim

Đăng nhận xét

0 Nhận xét